1. Bộ lưu điện là gì?
Bộ lưu điện UPS (Uninterruptible Power Supply) là một thiết bị lưu trữ điện dự phòng, đóng vai trò cung cấp điện năng trong khoảng thời gian tương ứng với công suất thiết kế nhằm duy trì hoạt động của các thiết bị điện không bị gián đoạn khi điện lưới gặp sự cố. Từ đó, tránh gây ra các tổn thất nghiêm trọng về nhiều mặt như: mất dữ liệu, sản xuất bị trì trệ, hỏng hóc, chi phí cao để khởi động lại dây chuyền sản xuất… cho nhà máy và doanh nghiệp.
2. Phân loại các bộ lưu điện trên thị trường
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều bộ lưu điện với các công nghệ khác nhau, đáng chú ý là các dòng UPS với công nghệ Online, Offline, Line – interactive.
+ Với công nghệ UPS Offline: Đây là công nghệ UPS đã tồn tại lâu nhất nhất trên thị trường hiện nay, bộ UPS thường cho nguồn điện tại ngõ ra có dạng sóng vuông hoặc sine mô phỏng, khác với các dòng UPS công nghệ mới cho nguồn điện sine chuẩn. Nguồn điện tạo ra của bộ lưu điện Offline thường không ổn định, có mức sai số khá cao. Bên cạnh đó, thời gian lưu điện của thiết bị này tương đối ngắn, thời gian chuyển mạch giữa các chế độ hoạt động thường trễ từ 4 – 10ms. Với công nghệ UPS Offline, các bộ lưu điện thường có công suất nhỏ và hạn chế các chức năng mở rộng.
+ Công nghệ UPS Line – interactive: Đây là công nghệ UPS được phát triển tiếp theo sau công nghệ UPS Offline, bộ lưu điện công nghệ Line – interactive cho hiệu quả tốt hơn và khắc phục được một số nhược điểm của bộ lưu điện Offline như: ổn định điện áp ngõ ra, dải điện áp thay đổi nhỏ. Đồng thời, dạng sóng điện ngõ ra cũng được thay đổi tốt hơn, chuyển từ dạng sóng vuông sang dạng sóng sine mô phỏng.
+ Công nghệ UPS Online: Đây là công nghệ mới được phát triển gần đây nhất và được sử dụng rộng rãi trên các bộ lưu điện UPS cho tới hiện tại. Bộ lưu điện này với công nghệ Online khắc phục gần như toàn bộ các nhược điểm của hai dòng công nghệ UPS trước
Dòng UPS Online có thể cho nguồn điện ngõ ra dạng sine chuẩn, sạch, giảm sóng hài, điện áp ngõ ra cực kỳ ổn định và có sai số rất nhỏ. Đồng thời, tần số điện áp cũng rất ổn định, có thể sai số tính bằng 0.1%. Nhưng đặc điểm được cải tiến nổi bật nhất đó chính là thời gian chuyển mạch giữa các chế độ hoạt động của bộ lưu điện gần như bằng 0ms. Chức năng nhiều hơn, hỗ trợ các khe cắm thông minh, điều khiển thông mình… Bên cạnh đó, thời gian lưu trữ điện của bộ UPS được cải thiện rõ rệt và có thể tùy chỉnh. Với công nghệ này, bộ lưu điện được ứng dụng tới các dòng sản phẩm có công suất vừa và lớn.
3. Tính năng của bộ lưu điện
Bộ lưu điện UPS sẽ mang đến những tính năng đặc biệt dành cho người sử dụng:
• Hạn chế nhiễu và sóng hài ngõ ra: bộ UPS thực hiện lọc nguồn ngõ ra trước khi cấp cho tải
• Ổn định điện áp và tần số ngõ ra: điện áp và tần số ổn định tải một giá trị cài đặt, độ sai số rất nhỏ
• Điện áp ngõ ra dạng sine chuẩn: điện áp dạng sine chuẩn gần giống như lưới điện
• Hoạt động ổn định, độ tin cậy cao
• Hiệu suất hệ thống rất tốt
• Tích hợp nhiều chức năng thông minh: tích hợp card giám sát, các terminal chức năng…
4. Bộ lưu điện dùng để làm gì?
Bộ lưu điện sẽ giúp cho một dây chuyền sản xuất có thể tiếp tục vận hành để chờ nguồn điện dự phòng khởi động, máy tính có thể hoạt động ổn định để lưu dữ liệu và các tác vụ đang thực hiện.
Ngoài ra, bộ lưu điện UPS cũng giúp hệ thống server có thể được tắt một cách an toàn. Hệ thống giám sát, cảnh báo, internet, camera có thể tiếp tục hoạt động ngay cả khi điện lưới gặp sự cố mất điện đột ngột.
Bộ lưu điện giúp tránh các tổn thất nghiêm trọng về nhiều mặt như: đánh mất dữ liệu, sản xuất bị trì trệ, hỏng hóc máy móc, chi phí cao cho việc khởi động lại dây chuyền, tránh việc giảm tuổi thọ thiết bị và chi phí thay thế mới các linh kiện.
Bên cạnh đó, nó còn giảm chi phí bảo trì bảo dưỡng, chi phí đầu tư hệ thống nguồn dự phòng cho doanh nghiệp và các nhà máy sản xuất.
5. Ứng dụng của bộ lưu điện
+ Ứng dụng trong phòng máy – server: Máy tính và máy chủ là những thiết bị lưu giữ những dữ liệu quan trọng của công ty, doanh nghiệp. Vì thế, rất cần có một bộ lưu điện để giúp các máy này không bị ngắt đột ngột dẫn tới hư hỏng cũng như mất hết các dữ liệu quan trọng.
+ Ứng dụng trong sản xuất công nghiệp: Các xưởng công nghiệp thường hoạt động với số lượng máy móc lớn, tiêu thụ điện năng một cách thường xuyên, liên tục. Vì thế, bộ lưu điện công nghiệp được sử dụng rất phổ biến trong lĩnh vực này, nhằm giúp lưu trữ điện năng và duy trì hoạt động của các thiết bị máy móc không bị gián đoạn, hỏng hóc.
+ Ứng dụng trong đời sống sinh hoạt: Bộ lưu điện được ứng dụng phổ biến trong đời sống sinh hoạt, đảm bảo nhu cầu dùng điện cho các thiết bị điện như: đèn chiếu sáng, tủ lạnh hay thang máy một cách thường xuyên, không bị gián đoạn. Do đó, mua sắm cho mình một bộ lưu điện cho gia đình là một nhu cầu chính đáng. Bộ lưu điện dùng trong sinh hoạt thường có công suất nhỏ, kích thước cũng nhỏ gọn, tiện dụng.
+ Ứng dụng trong y khoa – bệnh viện: Trong y khoa, bộ lưu điện đóng vai trò khá quan trọng. Nó được ứng dụng trong các thiết bị máy móc như phân tích siêu âm, xét nghiệm, chụp X-quang… nhằm giúp duy trì hoạt động, kịp thời lưu lại hình ảnh, dữ liệu của người bệnh một cách dễ dàng, tiện lợi. Thiết bị máy thở, máy trợ tim… cũng nên được kết nối, sử dụng UPS để đảm bảo phục vụ bệnh nhân một cách tối ưu, an toàn nhất.
+ Ứng dụng trong giao thông: Các hệ thống chiếu sáng, hệ thống camera giao thông, đèn tín hiệu giao thông cũng cần được cấp điện liên tục để đảm bảo hoạt động giao thông diễn ra bình thường, an toàn cho người tham gia giao thông trên đường phố.
+ Ứng dụng trong ngân hàng: Các ngân hàng thường sử dụng UPS để backup cho hệ thống máy tính, hệ thống ATM để đảm bảo các giao dịch diễn ra bình thường, tránh nhầm lẫn, mất dữ liệu hoặc các sự cố đáng tiếc xảy ra, gia tăng sự hài lòng, tin cậy của khách hàng đối với ngân hàng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.